Nghề nuôi cua đồng ở ngoại thành Hà Nội


QĐND – Ngày trước, ở những vùng đất chiêm trũng thuộc các huyện ngoại thành Hà Nội và Hà Tây (cũ) có rất nhiều cua đồng tự nhiên. Thế nhưng, trong khoảng chục năm trở lại đây, do có nhiều người bắt cua, và do người nông dân làm ruộng đã sử dụng nhiều loại thuốc trừ sâu và hóa chất bảo vệ thực vật khiến cho cua đồng suy giảm.

Nhu cầu về cua để chế biến đồ ăn trong bữa cơm sinh hoạt hằng ngày của người Hà Nội ngày một lớn. Nhiều thương lái đã đi buôn cua đồng từ nhiều tỉnh, thành xa, chở về Hà Nội bán, nên cua đồng giờ đã trở nên đắt đỏ. Trên thị trường Hà Nội, giá cua đồng luôn ở mức từ 70.000 đến 90.000đ/kg. Vào mùa hè hay dịp gần Tết, giá cua lên đến 100.000đ/kg.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường, nhiều gia đình làm nông ở các huyện Quốc Oai, Thanh Oai, Mỹ Đức đã mạnh dạn đầu tư nuôi cua đồng trên những thửa ruộng trồng lúa của mình. Trào lưu nuôi cua đồng ở vùng này đã bắt đầu được “nhen nhóm” từ năm 2006. Người đi đầu trong nghề nuôi cua đồng ở vùng này là anh Nguyễn Văn Lưỡng, ở xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai. Anh Lưỡng nuôi trực tiếp trên những thửa ruộng cấy lúa của nhà mình. Cua giống được thả trực tiếp vào ruộng lúa, sau khi đã gia cố bờ bao bằng tường xây cao và lót lớp ni-lông phía trong để cua không thoát sang các thửa ruộng khác bên cạnh. Theo kinh nghiệm của anh Lưỡng thì mỗi mét vuông ruộng thả chừng 10 con cua giống, trung bình 1 sào có thể thả trên dưới 3000 con. Thức ăn cho cua là ốc bươu vàng xay nhỏ trộn lẫn với cám, 1 tuần chỉ phải cho cua ăn 2 lần, còn lại cua tự kiếm ăn. Anh Lưỡng chia sẻ: “Muốn cua sinh sản nhanh, cua con không bị chết thì trên những ruộng lúa nuôi cua tuyệt đối không được dùng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Chỉ bón các loại phân chuồng, phân xanh . Thời điểm thả cua giống thích hợp nhất là sau Tết và chỉ khoảng 3 tháng sau là bắt đầu thu hoạch. Nuôi cua có thể cho thu nhập quanh năm vì ngày nào cũng có thể bắt cua 1 lần mang bán. Hiện tại, mỗi ngày gia đình tôi bán ra khoảng 20-30kg cua…”.

Ở huyện Quốc Oai, không chỉ có gia đình anh Lưỡng mà đã có mấy chục hộ dân nuôi cua và hộ nào cũng gặt hái được thành công. Chị Hà Thu Huệ, hàng xóm của anh Lưỡng, mặc dù “đi sau” 2 năm nhưng hiện tại, trên chân ruộng lúa gần 2 sào kết hợp nuôi cua, mỗi tháng gia đình chị thu gần 40 triệu đồng…

Phong trào nuôi cua đồng đã phát triển sang cả mấy huyện như Thanh Oai, Mỹ Đức. Chị Nguyễn Thị Lựu, ở xã Hương Sơn, đã thoát nghèo mà trở nên khấm khá là nhờ nuôi cua đồng vài năm nay. Chị bảo: “Học cách nuôi cua từ nhà người bà con bên Quốc Oai, gia đình tôi cải tạo chân ruộng trũng đầu tư nuôi cua. Tiền mua con giống, mua thức ăn cho cua cũng hết cỡ hơn chục triệu đồng. Trong vòng 3 tháng thì bắt đầu vào thu hoạch, chỉ hơn 1 tháng sau đó, nhà tôi đã trả hết nợ…”. Qua tiếp xúc với chị Lựu, tôi được biết, mỗi tháng bây giờ gia đình chị có mức thu nhập khoảng trên dưới 30 triệu đồng. Ngôi nhà vừa mới xây cất và những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền trong nhà là nhờ… cua mà có!

Nguyễn Tuấn Anh

Bình luận về bài viết này